Sunday, February 5, 2012

Lãi suất khi nào giảm?

Hạt nhân cơ bản cho "tuyên bố"

Trong phiên họp thường kỳ vừa qua, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và một số cơ quan quản lý cho rằng: lãi suất chắc chắn sẽ giảm. Cũng trong bài phát biểu Thống đốc Ngân hàng nhà nước vào đầu năm 2012 có cho rằng lãi suất sẽ giảm còn khoảng 12% nếu như lạm phát giảm xuống còn 8 - 9%. Cơ sở để giảm lãi suất là lạm phát giảm. Ngay sau khi phát biểu giảm lãi suất của một số cơ quan quản lý, một số nhà nghiên cứu cho rằng, chưa chắc việc lạm phát giảm sẽ kéo theo lãi suất giảm trong thời gian tới.

Chúng tôi cho rằng, việc đánh giá liệu lãi suất giảm và sẽ giảm vào thời gian nào cần sự hội tụ của nhiều yếu tố. Và trong bài viết ngắn này, chúng tôi cung cấp các yếu tố đó và bình luận các yếu tốt đó với tình hình thị trường tài chính hiện tại.

Việc thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian qua đã cho thấy một xu hướng rõ ràng có sự giảm tốc tốc độ tăng giá. Hình 1 cho thấy có sự duy giảm giá rõ ràng bắt đầu từ cuối tháng 10 năm 2011. Chúng tôi cho rằng, với chính sách tiền tệ như hiện tại, lạm phát sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới do có sự sụt giảm mạnh về cầu đầu tư tư nhân. (Cũng như cắt giảm cầu đầu tư công.)

[Hình 1. - Lạm phát tính theo tháng - sẽ cung cấp sau]

Việc lạm phát giảm sẽ kéo theo mức tỷ suất lợi nhuận thực tế của tiền gửi tiết kiệm cao hơn tương đối so với các tài sản khác. Vì vậy, cung cho các khoản vay sẽ tăng dần lên và là áp lực để giảm lãi suất. Tuy nhiên, lãi suất chỉ thực sự giảm khi thị trường tài chính cho rằng mức tăng giá có sự duy trì "ổn định tương đối" ở mức thấp trong một thời gian đủ dài. Do vậy, việc lãi suất giảm ngay sau khi lạm phát giảm về quanh mức mục tiêu là khó khả thi. Thị trường cần một thời gian để xác nhiện sự ổn định mức giá mới và từ đó là cơ sở "quan trọng nhất" để lãi suất cho các khoản vay giảm.

Thời gian "chờ đợi" ở Việt Nam là bao lâu?

Có ba yếu tố quyết định đến khoảng thời gian lạm phát giảm và thời gian lãi suất giảm tại Việt Nam:

Thứ nhất, Ngân hàng nhà nước tiếp tục giữ cam kết thắt chặt cung tiền, đặc biệt là tăng trưởng tín dụng trong phạm vi hợp lý, là cơ sở để lạm phát giảm. Các động thái của Ngân hàng nhà nước từ tháng 09/2011 cho thấy sự cam kết này đang được duy trì tốt. Nếu mức lạm phát giảm xuống 1 con số vào cuối quý 2/2012 thì khả năng lãi suất cho các khoản vay thị trường sẽ thực sự giảm vào khoảng sau thời gian này. Chúng tôi cho rằng, Ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục duy trì được sự cám kết cho cả năm 2012.

Thứ hai, thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện và khôi phục. Khi rủi ro thanh khoản hệ thống ngân hàng do chính cấu trúc kinh doanh của các ngân hàng gây ra như hiện nay, sẽ tạo cho chính các ngân hàng các rủi ro "đạo đức". Vì vậy, dòng vốn sẽ không chảy đều cho toàn nền kinh tế: hoặc các ngân hàng lớn sẽ có mức cầu vay vốn bị tập trung hơn và/hoặc tính tự phòng vệ của các ngân hàng sẽ tăng lên và cắt giảm cung tín dụng. Trong mọi trường hợp, lãi suất trên thị trường tín dụng sẽ khó giảm do thanh khoản của hệ thống ngân hàng không được cải thiện. (Việc tái cấu trúc các ngân hàng cũng là một cách thức để tăng tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng.). Chúng tôi cho rằng, mặc dù không phải là lý do chính, lý do thứ hai này sẽ làm kéo dài thời gian giảm lãi suất khi lạm phát giảm và thị trường sẽ đánh giá yếu tố thanh khoản phụ thuộc nhiều vào giải pháp tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại trong thời gian tới.

Thứ ba, hiệu quả của dòng vốn đầu tư nhà nước. Việc sụt giảm cầu đầu tư cá nhân trong khi nếu như cắt giảm đầu tư công không tốt sẽ dẫn tới hiệu ứng Crowding-out (lấn át) một cách tương đối của đầu tư công với đầu tư cá nhân. Mặc dù khó có sự dự tính rõ ràng về việc hiệu ứng lấn át của đầu tư công tăng lên trong tình huống lạm phát đã giảm và cung tiền đã ổn định có ảnh hưởng nhiều tới thời gian giảm lãi suất hay không, nhưng chúng tôi cho rằng, việc cắt giảm đầu tư công không hợp lý/không đúng cam kết sẽ kéo dài khung thời gian lãi suất giảm mặc dù lạm phát giảm.

Tóm lại, việc giảm lãi suất có xác suất lớn do chúng tôi kỳ vong vào sự cam kết của Ngân hàng nhà nước trong việc duy trì cam kết cắt giảm cung tiền để các chủ thể kinh tế tiếp tục thích nghi và điều chỉnh hành vi "hoạt động kinh tế thực tế" cho phù hợp với mức lạm phát mới (từ đó các hoạt động kinh tế thực quay trở lại mức bình thường). Chúng tôi cho rằng, thời gian lãi suất giảm có thể hiện thực và rõ ràng sẽ vào sau Quý 2/2012 (có thể có sự giảm cục bộ theo kỳ hạn, khách hàng,... tùy thuộc vào chiến lược và nhận định của từng ngân hàng) nếu như giải pháp tái cấu trúc ngân hàng được sớm đưa ra và giúp cho thanh khoản ngân hàng được cải thiện, giảm rủi ro đạo đức ngân hàng.

11 comments:

  1. anh có thể giải thích giúp em thắc mắc, em được học thì khi nhà nước tăng đầu tư công, khi sẽ tăng lãi suất, từ đó mới dẫn đến hiệu ứng Crowding-out. Trong bài viết của anh thì nếu cắt giảm đầu tư công không tốt sẽ dẫn đến hiệu ứng Crowding- out

    ReplyDelete
  2. vì đầu tư cá nhân sụt giảm mạnh hơn việc cắt giảm đầu tư công thì rất có thể dẫn đến Crowding-out. Mình nghĩ vậy

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ý của mình cũng tương tự như vậy. Nếu cắt giảm chi tiêu công chậm, trong khi cầu đầu tư tư nhân giảm mạnh, thì mức độ crowding-out effect (được thể hiện là tốc độ giảm lãi suất trong trường hợp này) sẽ bị chậm lại. Tức thời gian để giảm lãi suất sẽ bị kéo dài ra.

      Delete
  3. Dear anh Đông !
    Như anh phân tích thì có một số khả năng để có thể giảm lãi suất trần có thể giảm xuống như " nếu như giải pháp tái cấu trúc ngân hàng được sớm đưa ra và giúp cho thanh khoản ngân hàng được cải thiện, giảm rủi ro đạo đức ngân hàng "

    Tromg đó vấn đề thanh khoản là một vấn đề bao trùm quyết định đến lãi suất tại các ngân hàng Việt Nam hiện nay. Em thử đặt giả thiết là lãi suất trần của hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ hạ xuống khoảng 12 % như một số bài báo đưa ra trong thời gian qua. Chúng ta đều biết ngân hàng vừa là một chủ thể tài chính trung gian và ngân hàng cũng là một trong những kênh đầu tư của người dân hiện nay. Nếu so sánh lãi suất huy động của một số ngân hàng thương mại nếu chỉ cao nhất là 12 % với mức lạm phát của Việt Nam trong năm 2011 là gần 19 % và năm 2012 này thì không như Chính phủ đặt mục tiêu là dưới 10 % và các tổ chức tài chính uy tín của thế giới dự đoán là khoảng 12 %.

    Như vậy nếu ta thử đặt mình vào nhà đầu tư thì có thể gửi tiền của mình vào hệ thống ngân hàng khi biết chắc chắn rằng những gì chúng ta nhận được lãi suất ngân hàng thì không đủ số tiền mà VND đã mất giá. Như vậy vấn đề thành khoản sẽ rất khó khăn cho hệ thống ngân hàng. và thực tế hiện nay đã chứng minh cho nhận định về tình huống này hoàn toàn đúng khi các ngân hàng thương mại đang rất thiết thanh khoản đến nỗi một doanh nghiệp đã phải căng băng rôn ra để đòi tiền ngân hàng :

    http://news.go.vn/tin/461340/Doanh-nghiep-cang-bang-ron-bieu-ngu-doi-tien-Agribank.htm

    Khi vấn đề thanh khoản của cả hệ thống ngân hàng Việt Nam khó khăn thì Ngân hàng Nhà nước quyết định bơm tiền ra để cứu thanh khoản cho các ngân hàng . Nhưng biện pháp này trực tiếp làm cho cung tiền trên thị trường tăng cao mà cung hàng vẫn giữ nguyên thì lạm phát đã cao thì càng cao !

    Một vong luẩn quẩn trong vấn đề thanh khoản, lạm phát, tăng trưởng kinh tế ....đã làm cho nền kinh tế Việt Nam ngày càng khó khăn !

    Nhưng nếu không giảm lãi suất thì còn số doanh nghiệp Việt Nam phá sản trong năm 2012 không chỉ dừng ở con số 50 000 doanh nghiệp trong năm 2011 .

    Nếu như vậy thì giảm lãi suất và không giảm lãi suất thì nên kinh tế nước ta cũng đí xuống ! Và câu hỏi đặt ra là nguyên nhân tại sao mà kinh tế nước ta rồi như một mối tơ vò ?

    Thân !

    ReplyDelete
  4. Cám ơn nội dung trao đổi của bạn.
    1. Mình nghĩ thanh khoản khó khăn là do thắt chặt cung tiền. Nhưng bên cạnh đó, tình trạng nợ xấu do của chính các NHTM cổ phần nhỏ là rất lớn do quản trị tài chính kém và do các vấn đề cấu trúc, chất lượng tài sản có - nợ không tốt. Vì vậy, NHNN tốt nhất vẫn nên cam kết và chấp nhận cuộc chơi: không phá sản nhưng sẽ có sáp nhập. Còn cung tiền hỗ trợ thanh khoản thì cũng chỉ là trước mắt, không giải quyết được tính rủi ro hệ thống đã có từ lâu.

    2. Còn theo tính chất kinh tế, lạm phát giảm, lãi suất danh nghĩa giảm nhưng vẫn sẽ đảm bảo lãi suất thực trung dài hạn dương --> khi đó nền kinh tế/tài chính mới vận hành ổn định được.

    3. Việc phát sản doanh nghiệp là bình thường nếu như bản thân doanh nghiệp đó đã không có cấu trúc tài chính vững, phụ thuộc vào khoản vay lớn và cấu trúc tài chính không phù hợp với ngành kinh doanh.

    4. Theo mình, chu kỳ lãi suất, tăng trưởng phải như sau:
    Lạm phát cao --> thắt chặt tiền tệ --> giảm lạm phát --> kỳ vọng lạm phát trung dài hạn thấp + niềm tin chính sách --> Lãi suất giảm do tỷ suất sinh lời thực của tiền gửi tăng kéo theo cung vốn vay thực tế tăng (chứ không phải tốc độ tăng cung tiền tăng) --> kích thích trở lại đầu tư thực tế --> tăng trưởng trở lại.

    Vì vậy, cái chúng ta nhìn thấy ở VN hiện nay chỉ ở chỗ thứ 3: giảm lạm phát Vì vậy, chặng đường còn dài, ít 9 tháng - 1 năm nữa để thấy lãi suất giảm giảm chở lại.
    Nhưng nếu tăng tốc độ tăng cung tiền thì coi như hỏng mọi thứ.

    5. Chuyện của các bác bên NHNN là do ho NHNN sai, nhưng bản thân nếu trả nợ cho khách hàng được bảo lãnh --> khả năng lớn là chuyển khoản vay thành nợ xấu --> trách nhiệm của người quản lý sẽ tăng lên. Còn mình nghĩ thanh khoản của NH Nông nghiệp ổn.

    ReplyDelete
  5. Dear anh Đông !
    Em nghĩ trong vấn đề thanh khoản trong các ngân hàng Việt Nam hiện nay, nguyên nhân chính là vấn đề nợ xấu trong các ngân hàng và vấn đề NHNN không chịu cung tiền ( in tiền ) chỉ là nguyên nhân phụ thôi!

    +, Thật sự em không biết rõ số liệu thực chất nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay là bao nhiêu ? Theo số liệu của NHNN là hơn 3% tổng dư nợ của cả hệ thống ! Nhưng theo số liệu của các tổ chức tài chính uy tín của thế giới đánh giá thì trên 10 %. Em nghĩ anh biết rõ số liệu về nợ xấu của cả hệ thống ! hoặc là biết về số liệu của Vietcombank ! Em thử phân tích con số nợ xấu là 3% thì nó tương đương với con số nợ xấu là khoảng gần 100.000 tỷ VND như vậy so với tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống ngân hàng Thương mại Việt Nam thì nợ xấu cao hơn. Như vậy toàn hệ thống sẽ mất hết nguồn vốn điều lệ của minh.
    Vì vậy em có thể kết luận là hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay đang sống nhờ uy tín chính trị và khả năng bơm tiền của NHNN !

    Em nghĩ vấn đề xác nhập của hệ thống ngân hàng Việt Nam chỉ là việc NHNN không thể nuôi được nhiều ngân hàng thương mại nên mới quyết định tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Thực chất của tái cơ cấu hệ thống ngân hàng chính là việc ngân hàng A nợ tiền ngân hàng B, ngân hàng B nợ ngân hàng C, ngân hàng C nợ D…..cho đến ngân hàng D lại nợ A. Chính vì vậy nếu gộp chúng lại thì nó lại không nợ nhau.

    Anh nói ý thứ hai em nghĩ là đúng nhưng trong hoàn cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay thì không thể gọi là bình thường. Đúng như anh nói là “nếu như bản thân doanh nghiệp đó đã không có cấu trúc tài chính vững, phụ thuộc vào khoản vay lớn và cấu trúc tài chính không phù hợp với ngành kinh doanh.” Nhưng em nghĩ nên nhìn vào thực chất vấn đề kinh tế Việt Nam hiên nay khi thuộc nước có “sưu cao thuế nặng “ mà bên cạnh nó thì lãi suất vay ngân hàng quá cao. Nên khi ngân hàng không tiếp tục cung ứng tín dụng nữa thì sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khắn ! Trong tình huống như thế thì các ngân hàng lại tiếp tục đòi phải nộp lãi vay . Tình cảnh như vậy không phá sản thì mới lạ?

    Anh nói về chu kỳ lãi suất và tăng trưởng như vậy thì chỉ đúng như trong sách vở thôi. Còn đặt vào hoàn cảnh thực tế của Việt Nam hiện nay thì nó không còn đúng nữa. Khi Chính Phủ ban hành Nghị quyết 11 mà nội dung chính của nó là thắt chặt tiền tệ trong tháng 3 năm 2011 . Nhưng tổng kết về kinh tế xã hội Việt Nam trong năm 2011 thì lạm phát đã lên đến gần 19 % và năm 2011 được đánh giá là năm khó khăn nhất trong hai mươi năm quá. Và trong năm 2012 nay, NHNN tiếp tục thắt chặt tiền tệ và vẫn giữ lãi suất trần là 14 % trong thời gian nữa thì số công ty, doanh nghiệp phải phá sản còn nhiều hơn. Đặc biệt là những đại gia trong ngành bất động sản Việt Nam .

    Em nghĩ lạm phát của Việt Nam trong năm 2012 sẽ giảm so với năm 2012. Nhưng khi nhìn nhận dưới góc độ kinh tế, tài chính thì với lạm phát là 10% mà tăng trưởng kinh tế chỉ là 6 % thì đời sống nhân dân mình bao giờ mới được nở mày nở mặt với thế giới ?

    Anh nhìn nhận vấn đề kinh tế Việt Nam hiện nay chỉ là lạm phát thì em nghĩ không ổn ! Có người đã nhận định “ kinh tế cũng là chính trị “ và khi áp dụng những nguyên lý, mối quan hệ trong triết học để đánh giá, nhận định kinh tế Việt Nam hiện nay thì mới thấy rõ nguyên nhân của nó !

    Thân !

    ReplyDelete
    Replies
    1. Xin cám ơn bạn đã chia xẻ. Mình có đôi điều thế này.

      1. Mình không biết cụ thể nợ xấu của các NHTM. Nhưng lưu ý là cách thức và tiêu chí phân loại nợ của mỗi ngân hàng khác nhau. Vì vậy khó có thể so sánh tỷ lệ nợ xấu của hai ngân hàng dựa vào con số công bố.

      2. Đã là nợ xấu thì đều trích lập dự phòng cẩn thận nếu ngân hàng theo đúng chuẩn mực. Vì vậy, lợi nhuận (net income) là cái đã trích dự phòng rủi ro nợ xấu rồi. Do đó, không thể nói là nợ xấu ăn vào vốn chủ sợ hữu và dẫn tới vốn chủ sở hữu âm được.

      3. Có thể có chuyện nợ lòng vòng. Nhưng nói chung mình nghĩ Group 5 không bị ảnh hưởng lớn với kiểu nợ lòng vòng đó. Có thể đâu đó để lách các quy định về các tỷ lệ an toàn vốn của SBV, nhưng có lẽ không phải là trong Group 5.

      4. Có lẽ mình sẽ không tranh luận với bạn về cái chu kỳ lãi suất, lạm phát, tăng trưởng trong thời kỳ Thắt chặt tiền tệ (còn trong thời kỳ khác sẽ khác, tùy vào chính sách vĩ mô thực hiện). Thị trường còn đó, và chúng ta cùng quan sát sẽ hay hơn. Hy vọng có nhiều cái hay không đúng như dự báo của mình.

      5. Về lạm phát và tăng trưởng: Mình nghĩ có sự nhầm lẫn ở đây. Theo mình biết, nếu không ghi rõ, thì khi ghi là Tăng trưởng, tức là đã tính là tăng trưởng thực, tức loại bỏ yếu tố về giá. Còn lạm phát là cái nominal. Chẳng hạn, nếu nói tăng trưởng 6% và lạm phát 10%, tức là tăng trưởng danh nghĩa (nominal) sẽ ở đâu đó quanh 16% (10%+6%). Ngày trước (chắc khoảng năm 2008), trong tranh luận ở Quốc hội, một số đại biểu cũng nhầm và cho rằng là tăng trưởng thế thì quy chung đời sống nhân dân đi xuống. Giải thích mãi thì giờ cũng hiểu.

      Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là đời sống đại đa số nhân dân tăng lên. Cái giá của lạm phát là rất lớn vì mức tăng thu nhập của các thành phần cá thể là khác nhau so với mức tăng lạm phát và thường tầng lớp nghèo, thu nhập thấp chịu ảnh hưởng tiêu cực của lạm phát không mong muốn nhiều nhất. Các vấn đề về lạm phát và tiền tệ, có lẽ nói ở đây là không bao giờ đủ. Mình chỉ bình luận ngắn gọn về VN vậy thôi.

      6. Cám ơn bạn đã nhắc nhở về sự bao quát vấn đề. Mình vẫn biết là vĩ mô thì lạm phát chỉ là một chỉ số. Nhưng chỉ số này nó bao quát quá lớn trong thời gian qua và là topic của mọi topic trong hai năm qua. Vì vậy, mình đề cập đến nó là vì thế. Còn các vấn đề vĩ mô, vi mô khác của VN cũng rất thú vị.

      7. Mình xin không bình luận về chính trị. Blog của mình chỉ tập trung nói về kinh tế.

      Delete
  6. Đọc cái này mình nhớ lại đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán của bác Vương Đình Huệ, thị trường chứng khoán đảm nhiệm vai trò cung ứng vốn trung dài hạn cho nên kinh tế, nhưng có lẽ việc này các ngân hàng đảm nhận mất rồi. Tình trạng ngân hàng huy động vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thì tình hình thanh khoản khó khăn là phải, nếu NHNN không tăng cường bơm vốn qua OMO thì hàng loạt ngân hàng gặp khó chứ đừng nói là giảm lãi suất. Lạm phát hiện đã giảm nhưng không bền vững nếu NHNN hạ lãi suất thì chắc chắn lạm phát lại vọt lên, chúng ta đừng quá bận tâm đến số lượng doanh nghiệp bị phá sản, bởi vì những doanh nghiệp đó có tình hình tài chính thiếu ổn định phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay. Cho nên giảm lạm phát thì phải đi đôi với giảm tăng trưởng, thuốc đắng giả tật đó là điều đương nhiên.

    ReplyDelete
  7. Dear a Đông.

    E cũng mới biết blog của a, cũng đọc được 2 ngày. Nhưng e là dân ngoại đạo, muốn tìm hiểu tài chính. A cho e lời khuyên với. E phải bắt đầu từ đâu? Và học từ những tài liệu nào? Mong a giúp đỡ. E rất mê các vấn đề về tài chính.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chắc đọc mãi và tự tìm hiểu thôi. Mình nghĩ nên bắt đầu bằng một nền tảng tốt, vì vậy cá nhân mình thì Vi mô, Vĩ mô, Toán kinh tế nên đọc và học cẩn thận. Còn nếu chỉ cần để biết, thì cũng chỉ cần tự tìm tòi, vướng chỗ nào thì google chỗ đó.

      Delete
  8. Thanks anh. Thế là đủ rồi ạ. Kinh tế học + Toán kinh tế.

    ReplyDelete