Friday, February 10, 2012

Khủng hoảng nợ công Châu Âu có thực sự đáng lo ngại cho hệ thống ngân hàng Việt Nam?

Gần đây một tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế cho rằng, Việt Nam nằm trong nhóm có hệ thống tài chính dễ bị tổn thương nhất dưới tác động của nợ công Châu Âu. Cũng vậy, trong một kết quả nghiên cứu gần đây của CIEM, tỷ giá USD/VND có thể có biến động mạnh nếu nợ công Châu Âu không được giải quyết. Trong bài viết này, chúng tôi nêu lên một số luận điểm cho thấy, hệ thống ngân hàng của Việt Nam sẽ không chịu tác động mạnh từ khủng hoảng nợ công Châu Âu như những lo ngại ban đầu. 

Nợ công Châu Âu có thể sẽ tác động đến ngân hàng của Việt Nam ở hai khía cạnh: doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu bị tác động và từ đó tác động tới ngân hàng VÀ vốn vay trên thị trường quốc tế của ngân hàng/doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng mức độ tác động thế nào? 

Đối với hoạt động XNK của Việt Nam, thắt chặt chi tiêu công của EU sẽ làm giảm mức cầu hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt sụt giảm mức cầu trực tiếp từ các các thị trường lớn Anh, Đức, Pháp, và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, hoạt động XNK tại thị trường EU sẽ không thực sự đáng lo ngại do hai nguyên nhân chính sau: 

Thứ nhất, việc VND mất giá tương đối so với USD trong khi EUR tăng giá với USD sẽ kéo theo lợi thế về giá với hàng hóa Việt Nam tại khu vực đồng tiền chung Châu Âu (bao gồm Pháp, Đức, Tây Ban Nha và không bao gồm Anh).  

Thứ hai, khủng hoảng nợ công Châu Âu tác động trực tiếp đến một số nước có quan hệ XNK không lớn với Việt Nam như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Rumani, Ireland, …. Mặc dù cuộc khủng hoảng này có thể có các tác động gián tiếp qua các nước lớn (như Anh, Đức, Pháp,..). Tuy nhiên, bản thân các nước này vẫn cho thấy có sự ổn định tương đối trong cấu trúc kinh tế và sự sụt giảm cầu lớn khó xảy ra. 

Cũng phải lưu ý rằng, mặc dù thị trường Châu Âu vẫn là bạn hàng quan trọng, nhưng Châu Mỹ, Châu Á, và Châu Phi cũng là những thị trường đã và tiếp tục là thị trường chủ lực của Việt Nam. Kinh tế Mỹ đã có những dấu hiệu ổn định tương đối và đi lên trong khi kinh tế Châu Phi cũng có những bước phát triển ổn định. Trong khi kinh tế Châu Á vẫn giữ được mức tăng trưởng khả quan. Vì vậy, tác động vào XNK của VN do khủng hoảng nợ công Châu Âu sẽ không lớn và như vậy hệ thống ngân hàng khó có thể bị tác động do hoạt động các công ty XNK vẫn duy trì tăng trưởng tương đối. 

Xét ảnh hưởng của nhân tố thứ hai: nguồn vốn nước ngoài cung cấp cho các doanh nghiệp/ngân hàng Việt Nam. Rõ ràng các ngân hàng Châu Âu sẽ phải đối mặt với khó khăn về nguồn vốn huy động do tăng trưởng Châu Âu kém đi và đồng thời chi phí huy động vốn USD tăng lên do xếp hạng tín nhiệm giảm.  

Moody’s gần đây cho rằng: “…Đối với trường hợp Việt Nam, Moody’s cho rằng, yếu điểm nằm ở chỗ nền kinh tế Việt Nam chưa thực sự đa dạng, hệ thống tài chính còn yếu kém, và các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn vốn vay USD lãi suất thấp, đặt hệ thống ngân hàng vào thế rủi ro trước bất kỳ sự thắt chặt bất ngờ nào của nguồn thanh khoản ngoại tệ….” (link tại đây) 

Chúng tôi cho rằng, dựa trên những giả định về thị trường tài chính Việt Nam để cho rằng khủng hoảng nợ công Châu Âu tác động lên dòng vốn là chưa thỏa đáng. Phải thừa nhận rằng, thị trường “vốn” của Việt Nam là chưa phát triển, nhưng thị trường “tiền tệ” đã khá phát triển. Vấn đề hệ thống tài chính yếu kém chủ yếu là do chính sách quản lý chưa theo kịp được với tốc độ phát triển tài chính. Vấn đề này là vấn đề  “tất nhiên” và không liên quan đến việc “chỉ bộc lộ ra” khi có khủng hoảng công Châu Âu.  

Đi vào chi tiết, nhiều người cho rằng Moody’s có lý khi cho rằng “thanh khoản ngoại tệ”  vào Việt Nam sẽ giảm và ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế và tác động xấu tới hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, có lẽ Moody’s quyên rằng đó chỉ là “thanh khoản của các khoản vay từ Châu Âu”. Trong khi các ngân hàng Châu Âu đang cắt giảm các khoản vay thì các ngân hàng Nhật và Mỹ lại mở rộng do các Quantitative Easing làm gia tăng “thanh khoản” của các ngân hàng tại Mỹ và Nhật và các dòng tiền “rẻ” này đi tìm miền đất cho return cao: chẳng hạn các ngân hàng Mỹ cung cấp tới 3.75 nghìn tỷ USD khoảng vay trong năm 2011, tăng gần 45% của năm 2010 với 2.63 nghìn tỷ USD. Sự tăng trưởng cung vốn trên thị trường quốc tế tương tự cũng dành cho các ngân hàng Nhật. Về tổng thể, nguồn cung khoản vay USD của toàn cầu đều tăng trong năm 2011 (và dự kiến tiếp tục trong năm 2012) chứ không giảm.

Thế các khoản vay thương mại dành cho các doanh nghiệp/ngân hàng Việt Nam có bị ảnh hưởng? Thống kê không cho thấy có sự sụt giảm các khoản vay từ nước ngoài cho doanh nghiệp Việt Nam và còn cho thấy có sự tăng trưởng của vốn ngoại dài hạn cho VN: ODA cam kết và giải ngân vẫn ổn định, vay thương mại không có bảo lãnh của chính phủ (như của MSN, HAGL, NTC, VCB, Vietinbank,.…) cho thấy có sự mạnh tay của NH nước ngoài với thị trường vốn không bảo lãnh chính phủ của VN, các khoản giải ngân equity lớn vẫn âm thầm diễn ra. Thêm vào đó, chính các ngân hàng trong nước chưa chắc đã mặn mà với vốn vay ngoại tệ nếu tín dụng ngoại tệ không có sự tăng trưởng tốt và giá vốn ngoại tệ tăng cao cho chính các ngân hàng do xếp hạng Việt Nam giảm. 

Vậy Moody’s thấy sự thiếu thanh khoản ngoại tệ của các doanh nghiệp/ngân hàng Việt Nam là do đâu? Lật lại vấn đề này, chúng tôi cho rằng, bản chất của vấn đề nằm ở mức cầu tín dụng và sự điều chỉnh chính sách quản lý ngoại hối làm cho hoạt động vay vốn ngoại tệ của doanh nghiệp/ngân hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế có thể giảm. Đây là một thực tế cần chấp nhận để thực hiện chính sách giảm tình trạng đô-la hóa của nền kinh tế và tăng tính chủ động trong thực thi chính sách tiền tệ của ngân hàng nhà nước. Các chính sách hạn chế tín dụng ngoại tệ của Thông tư 07 hay trần ngoại tệ của Thông tư 14 hay vay vốn nước ngoài của NHTM nhà nước tại Thông tư 08 đều cho thấy hai điểm quan trọng: việc sử dụng ngoại tệ phải đúng mục đích là để thanh toán ra nước ngoài (hoặc phục vụ để xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ bù đắp) VÀ các giao dịch trong nước đều phải là VND.

Hiển nhiên, thay đổi chính sách này kéo theo việc tiếp cận vốn ngoại tệ trong nước dùng cho sản xuất kinh doanh trong nước của các doanh nghiệp VN là khó khăn. (Còn việc tiếp cận vốn VND khó khăn là do chính sách tiền tệ thắt chặt.). Tuy nhiên, việc tiếp cận thị trường vốn quốc tế của chính doanh nghiệp Việt Nam để khắc phục tín dụng ngoại tệ thắt chặt là không dễ. Như vậy, chính sách kiểm soát tình trạng đô-la hóa mới là điều gây thiếu vốn ngoại tệ tạm thời cho các doanh nghiệp chứ không phải là khủng hoảng nợ công Châu Âu. Đồng thời chính sách quản lý ngoại hối và xếp hạng tín dụng quốc gia là nguyên nhân giảm mức cầu về vốn quốc tế của hệ thống tài chính trong nước mặc dù nguồn cung vốn quốc tế cho Việt Nam không hề giảm.

Tóm lại, chúng tôi không cho rằng, khủng hoảng nợ công Châu Âu ảnh hưởng lớn đến hệ thống ngân hàng thương mại của Việt Nam. Chúng tôi cho rằng, hệ thống quản lý tài chính của VN đang thay đổi để hệ thống tài chính tốt hơn, tạo môi trường lành mạnh hơn cho toàn bộ dòng vốn chuyển động trong nền kinh tế trong tương lai. Nếu thực thi chính sách tốt làm ổn định vĩ mô thì dòng vốn quốc tế sẽ chảy đến nơi có return cao và Việt Nam có tiềm năng là một thị trường như vậy. Vô tình hay hữu ý, chính sách làm giảm thanh khoản ngoại tệ cho doanh nghiệp Việt Nam trùng với thời kỳ khủng hoảng nợ công của Châu Âu. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, khủng hoảng nợ công của Châu Âu không phải là vấn đề lớn với Việt Nam. Chính sự thay đổi/thực thi chính sách của Việt Nam là thử thách lớn với Việt Nam nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng.

4 comments:

  1. em nghĩ độ mở của nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ nền khủng hoảng nợ công châu Âu ít có tác động đến Việt Nam. Với lại trong cơ cấu xuất khẩu nước ta chỉ có mặt hàng nông nghiệp mang lại ngoại tệ lớn, những mặt hàng này chủ yếu là hàng thiết yếu nên ít có tác động nhiều đến tiêu dùng mặt hàng này. Do đó nợ công châu Âu cũng không ảnh hưởng đến Việt Nam nhiều lắm.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Mình nghĩ Việt Nam có độ mở tương đối lớn. Nếu đo bằng chỉ số tổng giá trị XNK danh nghĩa trên GDP danh nghĩa, VN có chỉ số độ mở này vào khoảng 190%. Đây là mức tương đối cao. Tuy nhiên, Việt Nam lại exposed to EU, đặc biệt là một số nước có khủng hoảng nợ công không nhiều. XK của VN đúng là hàng thiết yếu chiếm tỷ trọng lớn.
      Không hiểu Moody's có thêm nhân tố nào khác nữa không?

      Delete
  2. Chào bác Đông, bác có mail không, cho em xin trao đổi chút ạ. Cảm ơn bác.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bạn có thể email cho mình theo địa chỉ vuquangdong@gmail.com

      Delete