Tính chính trị thể hiện ở: Các nhà chính trị và doanh nghiệp đều kêu lãi suất cao, doanh nghiệp hết chịu đựng được và phá sản hàng loạt, như vậy hạ lãi suất sẽ mang lại cho giới doanh nghiệp một cảm giác được ủng hộ;
Thực tế, dù có 13% hay 14% trần lãi suất huy động mà việc vi phạm vẫn xảy ra thì trần coi như không có. Nếu nghiêm túc triển khai trần lãi suất thì sao:
- Nếu việc áp dụng trần 14%, trong khi mức lãi suất cân bằng của thị trường đã cao hơn 14%, cho thấy dòng vốn chảy về nhóm ngân hàng tốt. Trong khi tín dụng tăng trưởng hạn chế do cơ chế tự phòng vệ của các thể chế tài chính, điều này sớm hay muộn sẽ buộc các ngân hàng lớn này giảm lãi suất huy động. Trong khi đó, tôi không hy vọng nhóm ngân hàng yếu sẽ giảm lãi suất, vì sự sống còn trong ngắn hạn là thanh khoản chưa giải quyết xong. Do đó, với trần 14%, thị trường đang "bắt đầu" cho thấy có dấu hiệu về một khoảng cách lãi suất giữa hai nhóm ngân hàng tốt và xấu. Khoảng lệch lãi suất khi đó là rủi ro mà khách hàng chịu nếu giao dịch tiền gửi với nhóm ngân hàng yếu kém. Nhưng khoảng lệch đó cũng đã báo hiệu cho thấy có thể có sự dễ thở hơn cho hệ thống tài chính.
- Nếu áp trần mới thì các ngân hàng yếu kém vẫn chịu áp lực như cũ vì khoảng cách lãi suất giữa các nhóm ngân hàng không có gì thay đổi. Điều này kéo theo sự mất thanh khoản của nhóm ngân hàng yếu sẽ kéo dài thêm.
- Ví dụ: áp 14%, thì ngân hàng tốt sẽ huy động thấp hơn một chút 13.7%, ngân hàng yếu 14% --> dễ thở hơn cho hệ thống thanh khoản ngân hàng. Áp 13%, vốn tiếp tục đổ về ngân hàng lớn. --> Tiếp tục khó khăn kéo dài cho các bạn ngân hàng yếu kém.
Có hai điều làm tôi hơi lùng bùng khó hiểu ở đây:
Thứ nhất, việc giảm lãi suất từ 14% xuống 13% để ám chỉ thời kỳ thắt chặt nhất đã qua? Điều này nếu bản chất kinh tế là đúng thì thị trường cũng đang cho thấy xu hướng này với việc giảm lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng. Nếu vậy, có đang phải ra một chính sách hạ từ 14% xuống 13% trong khi thị trường đang dần ổn định và cho thấy rõ xu hướng?
- Theo ý tôi phân tích ở trên, tôi cho rằng, tác dụng lớn nhất của quyết định này là: xu hướng lãi suất là giảm và mức giảm phải là từ từ, không nhanh được. Khó khăn vẫn còn và giai đoạn cuối của thắt chặt tiền tệ chưa qua. Nếu dùng ám chỉ này, thì tôi cho rằng, nên giảm về 13.5% hơn là 13%.
- Thông thường hậu chính sách tiền tệ, thì cơ quan chính sách điều chỉnh theo thị trường chứ không còn phải điều chỉnh thị trường nữa. Chẳng hạn, nếu mức cân bằng là 13.3% thì mức chính sách đưa ra là 13.5%, chứ không phải là ép xuống 13%.
- Vì vậy, các bạn nước ngoài mới cảnh báo: nếu mức giảm đột ngột, sẽ gây cho thị trường cảm giác là "nới lỏng tiền tệ" và sẽ làm hỏng chính sách kiềm chế lạm phát. Thực tế, chúng ta chẳng nới lỏng, mà chỉ giảm mức tăng giá và vì vậy mức cầu cho tiền tệ sẽ giảm đi như một quy luật tất yếu. Do đó, cắt giảm tốc độ tăng cung tiền để phù hợp với tốc độ tăng cầu tiền mới. Còn nền kinh tế thực sẽ hồi phục dần dần.
- Nhưng liệu rằng, chúng ta đang tự bó buộc chính sách vì đã gián tiếp cho rằng rủi ro lạm phát phi mã đã qua? Chưa cho thấy một dấu hiệu nào như vậy. Sự giảm tốc của lạm phát mới ở gần 2 quý và thực tế chỉ quyết liệt được một quý năm 2012. Vì vậy, có lẽ cần thêm 1 quý nữa để có được sự đồng thuận trong suy nghĩ của thị trường trước khi khẳng định rủi ro lạm phát phi mã đã giảm thiểu.
Thứ hai, NHNN đã ngầm khẳng định rằng các biện pháp hỗ trợ các ngân hàng yếu sẽ không gây áp lực lên cung tiền và sẽ thành công. Liệu có sự ám chỉ này?
- Câu hỏi này liên quan đến điều tôi nhắc tới ở trên, thực tế, áp trần 13% và buộc tất cả các ngân hàng phải tuân thủ, tôi tin rằng nếu không có biện pháp khắc phục thanh khoản cụ thể, sẽ càng đẩy các ngân hàng yếu vào khó khăn thanh khoản. Do đó, buộc các ngân hàng phải tự cơ cấu lại, hoặc buộc phải "tự nộp mình" xin được có biện pháp hỗ trợ cơ cấu sớm.
- Nếu SBV hỗ trợ trực tiếp bằng bơm tiền: với khoảng 9 ngân hàng và cho vay khoảng 5000 tỷ/1 ngân hàng (trung bình), thì cũng cần tới cho vay 45 nghìn tỷ VND. Tuy nhiên lưu ý rằng, đây là cho vay dài hạn để cơ cấu, nên sẽ ảnh hưởng đến cung tiền ngay lập tức. Nếu BTC mua tài sản của các ngân hàng xấu thì cũng không phải một sớm, một chiều có cơ chế thực hiện được.
- Tôi cho rằng, xử lý nợ xấu của các ngân hàng yếu là vấn đề "rất" khó khăn nhưng là vấn đề cần làm trước tiên, chứ không phải đi vào lãi suất giảm như thế nào. Nếu giải quyết xong, lãi suất thị trường sẽ tự nhiên giảm theo mức độ hợp lý với mức độ giảm của lạm phát. Các giải pháp hiện tại để hỗ trợ thanh khoản ngân hàng không phải là căn cơ. Biện pháp hữu hiệu nhất có lẽ là thanh tra lại tất cả các hoạt động tín dụng tại các ngân hàng này và sẵn sàng cho phá sản nếu vốn CSH âm và buộc sáp nhập nếu tỷ lệ an toàn quá thấp.
Rất đồng ý với nhận định của anh về việc áp lãi suất trần ít hiệu quả. Vấn đề lớn nhất của các ngân hàng Việt Nam là nợ xấu, và ngân hàng không có "khả năng" phá sản.
ReplyDeleteSố lượng ngân hàng ở Việt Nam tuy chi chít so với kích cỡ của một nền kinh tế nhưng không đến nỗi phức tạp ở mức không "xử" được nợ xấu.
Tôi e, vấn đề không nằm ở chỗ xử hay không nợ xấu, mà ở chỗ nếu theo cách này thì phải có ngân hàng phá sản hay bị thu tóm, điều mà rất khó về mặt chính trị
Nói chung, theo mình, Chính phủ đang tự mua dây buộc mình. Theo mình nghĩ, số lượng ngân hàng không quan trọng bằng chất lượng hoạt động của các ngân hàng. Nhiều ngân hàng mà cạnh tranh sòng phẳng và cơ chế quản lý tốt thì sẽ tốt cho nền kinh tế, đặc biệt là tốt cho người dân vì dịch vụ sẽ tốt hơn nhiều.
DeleteVới bài toàn là xử lý các ngân hàng yếu kém như thế nào chưa có lời giải và áp trần lãi suất cào bằng và "bảo hiểm" phá sản tỷ lệ 100% thì e rằng phương án xử lý ngân hàng yếu kém chưa thể có sớm được.