Friday, June 15, 2012

HÃY KIÊN NHẪN VỚI ĐẦU TƯ TƯ NHÂN

Trong giai đoạn cuối của chính sách tiền tệ thắt chặt, việc cân bằng thời gian cho chính sách ổn định lạm phát ở mức thấp và duy trì sức tăng trưởng lâu dài cần được tính tới. Phân tích dữ liệu tại các thời kỳ tăng trưởng trước đây, chúng tôi nhận thấy sự tăng trưởng bền vững song hành với điều kiện ổn định của lạm phát. Chẳng hạn như các năm 2002-2003 và 2005-2007, lạm phát ổn định là tiền đề để kinh tế khôi phục đà tăng trưởng sau đó. Hiện nay, chính sách kiềm chế lạm phát đang có kết quả bước đầu, bắt đầu giảm lạm phát so với cùng kỳ năm trước về một con số. Tuy vậy, câu chuyện chưa kết thúc. Việc giữ vững cam kết ổn định lạm phát ở mức một chữ số (có thể hợp lý ở mức 7% tới 8%) cũng quan trọng không kém và là tiền đề có sự tăng trưởng bền vững trở lại. Do vậy, hãy kiên nhẫn với thị trường để có sự phục hồi tăng trưởng hợp lý vì chúng ta cần thời gian để tạo nên một xu hướng ổn định lạm phát lâu dài.

Chúng ta đều quan sát thấy việc kiểm soát lạm phát tốt sẽ kéo lãi suất cho vay đi xuống. Lãi suất cho vay đã giảm khá lớn (khoảng từ 3% tới 5%) so với đầu năm 2012 nhưng sẽ giảm hơn nữa khi lạm phát thực sự giảm và ổn định. Khi lạm phát ổn định và lãi suất cho vay dài hạn phổ biến bắt đầu chạm khoảng 15% và ngắn hạn khoảng 12% hoặc thấp hơn, chúng tôi tin rằng cầu đầu tư tư nhân sẽ tăng dần lên (có thể từ Quý 3.2012) và yếu tố này đóng góp quan trọng cho tăng trưởng trong năm nay. Chúng tôi lưu ý hai yếu tố: Lạm phát thấp ổn định kéo theo lãi suất cho vay giảm và Động lực cho tăng trưởng là Đầu tư tư nhân.

Lãi suất giảm về mức ổn định khi lạm phát được duy trì ổn định ở mức thấp

Theo dự báo của chúng tôi, lạm phát của cuối Quý 2 năm 2012 so với cùng kỳ năm 2011 có thể về mức quanh 8%. Mở rộng hơn, nếu cung tiền không tăng mạnh vào cuối Quý 2.2012 thì lạm phát cuối Quý 3.2012 có thể sẽ rất thấp. Chẳng hạn, nếu cung tiền cuối Quý 2.2012 chỉ tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước, chúng tôi dự báo rằng lạm phát cuối Quý 3 năm nay sẽ chỉ tăng khoảng 5,2% so với cùng kỳ. Do vậy, sẽ không ngạc nhiên nếu lạm phát so với tháng trước sẽ âm với một số tháng trong Quý 3 (mặc dù vẫn dương nếu so với cùng kỳ năm trước.)





Chi phí điều chỉnh kinh doanh theo lạm phát không dự tính trước được là rất lớn. Do vậy, sự ổn định lạm phát và có thể dự đoán được trong một phạm vi nào đó là hết sức quan trọng. Thông thường, các chủ thể kinh tế, đặc biệt trong điều kiện lãi suất có xu hướng giảm, sẽ chờ đợi cho tới khi lạm phát ổn định trở lại trước khi quyết định gia tăng đầu tư. Tất nhiên sự sụt giảm mạnh của lạm phát không phải luôn luôn là điều tốt. Những cũng dễ hiểu sẽ là bình thường nếu có sự giảm quá đà của lạm phát trong giai đoạn cuối của thắt chặt chính sách tiền tệ.

Lạm phát ổn định sau khi thắt chặt là yếu tố tiền đề để kích thích tăng trưởng sau đó. Chúng ta có thể có thêm một số chính sách kích thích tăng trưởng ở mức độ vừa phải để đảm bảo vẫn kiểm soát được lạm phát thấp. Nếu một sự vội vàng đẩy mạnh kích thích tăng trưởng, giá cả tăng mất kiểm soát trở lại và chi phí để kiềm chế lạm phát sẽ lại trở nên hết sức đắt đỏ và thị trường sẽ lại mất niềm tin vào chính sách.

Chúng tôi nhận thấy, trong hai giai đoạn 2001 tới 2003 và 2005 tới 2007, Việt Nam có được mức lạm phát ổn định và thấp ở một con số, vì vậy tăng trưởng kinh tế ở mức khá cao. Tuy nhiên, trong năm 2009, khi lạm phát giảm nhưng tăng trưởng gặp vấn đề, chúng ta đã kích thich kinh tế bằng hỗ trợ lãi suất (và về bản chất không khác nhiều việc giảm lãi suất cho vay trong thời gian ngắn hợp lý) và vì vậy kích thích tăng trưởng mạnh ngay trở lại, nhưng kèm ngay sau đó là lạm phát phi mã tăng trở lại. Sau đó các chính sách thắt chăt đươc đưa ra năm 2011để giảm lạm phát. Tăng trưởng vì thế đương nhiên bị ảnh hưởng.

Chúng tôi cho rằng lạm phát sẽ tiếp tục giảm thêm vào Quý 3.2012. Và có lẽ đây là thời điểm rất quan trọng để NHNN đảm bảo rằng lạm phát được kiểm soát và ở mức thấp. Muốn vậy, việc duy trì lạm phát ở mức thấp phải được đảm bảo trong một khoảng thời gian và mức cung tiền cũng cần được kiểm soát hợp lý. Vì vậy, lạm phát mới bắt đầu giảm về mức mong đợi và cần có một sự kết hợp chính sách để đảm bảo sự ổn định lạm phát trong mức mục tiêu. 

Kỳ vọng đầu tư tư nhân sẽ là động lực cho sự tăng trưởng


Về mặt lý thuyết, trong giai đoạn cuối của thắt chặt tiền tệ sẽ có sự giảm sút mạnh của mức giá, tức lạm phát giảm nhanh do sự chùn bước của đầu tư trước mức lãi suất cao trước đó. Tuy nhiên, khi lạm phát giảm sẽ kéo theo lãi suất giảm dần trong điều kiện kỳ vọng lạm phát tiếp tục thấp.

Chẳng hạn, với dữ liệu trong quá khứ cho thấy, tỷ suất trái phiếu chính phủ chuyển động khá cùng chiều với lạm phát. Khi tỷ suất trái phiếu chính phủ giảm sẽ kéo theo lãi suất thị trường giảm. Trong năm 2011 với trần lãi suất được áp dụng, tỷ suất trái phiếu đi khá ngang bằng ở các kỳ hạn. Khi lạm phát bắt đầu giảm rõ rệt vào Quý1.2012, tỷ suất trái phiếu chính phủ cũng giảm cùng chiều và đường tỷ suất đã đồng thời đi xuống tại các kỳ hạn.

Lãi suất và đầu tư tư nhân (bao gồm cả đầu tư cá nhân, doanh nghiệp mà không xuất phát từ Chính Phủ) có mối quan hệ mật thiết: khi lãi suất giảm thì đầu tư tăng lên và ngược lại.






 
Chẳng hạn, lãi suất tăng mạnh trong thời kỳ thắt chặt tiền tệ 2007-2008 đã kéo theo đầu tư tư nhân giảm mạnh và tổng đầu tư giảm. Năm 2009 chứng kiến gói kích cầu rất lớn và hỗ trợ lãi suất mạnh, kéo theo đầu tư tư nhân tăng mạnh trở lại. Và từ giữa năm 2011 tới nay với lãi suất rất cao kéo theo đầu tư tư nhân giảm mạnh.

Nếu lạm phát vào khoảng 5,5% vào cuối Quý 3 và Ngân hàng Nhà nước đảm bảo rằng sự ổn định của lạm phát ở mức 7% tới 8%, rất có thể lãi suất cho vay kỳ hạn dưới 1 năm sẽ phổ biến ở mức quanh 12%. Vì vậy, khi lãi suất thị trường giảm sẽ kéo theo đầu tư tư nhân tăng trở lại làm động lực thúc đẩy tăng trưởng cao hơn trong các kỳ tiếp theo.

Trong cấu phần của GDP, động lực cho tăng trưởng thời gian tới sẽ khó có thể là đầu tư công hoặc gia tăng chi tiêu chính phủ. Với cấu trúc và tốc độ giải ngân chi ngân sách như hiện nay sẽ tương đương với tốc độ năm 2011 và sẽ khó có một kỳ vọng về sự đột biến đóng góp của chi tiêu công cho tăng trưởng cho tới cuối năm cho dù dư địa còn khá nhiều.

Bảng 1. Chi ngân sách nhà nước qua các năm (nghìn tỷ VND)
Năm tài khóa    5 tháng    % dự toán    6 tháng    % dự toán    Dự toán cả năm
2009                 138,5       28,2%          197,5       40,2%          491,3
2010                 196,8       33,8%          249,2       42,8%          582,2
2011                 270,3       37,3%          331,5       45,7%          725,6
2012                  338         37,4%                                              903,1
Nguồn: GSO

Chúng tôi đánh giá khá tích cực chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp gần đây của chính phủ như giãn thuế hoặc cắt giảm một số loại thuế. Mức hỗ trợ như vậy là vừa phải và khó gây nên sức cầu đột biến, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của chính sách tiền tệ cắt giảm lạm phát. Sự mở rộng mạnh mẽ tài khóa tại thời điểm này là chưa nên do cần phải nuôi dưỡng nguồn gốc tăng trưởng từ chính nền kinh tế.

Qua kiểm tra số liệu với tiêu dùng được giả định sát với tốc độ tăng trưởng của chi tiêu theo doanh số bán lẻ thực tế, chúng tôi không nhận thấy có sự đột biến về tiêu dùng cá nhân. Và cũng dễ hiểu, trong điều kiện kinh tế hiện nay, việc kỳ vọng tăng trưởng từ tiêu dùng cá nhân là không có cơ sở. Chúng tôi đánh giá cao việc giảm thâm hụt thương mại, trực tiếp làm giảm mức khấu trừ vào GDP do thâm hụt các năm khá cao (mặc dù sẽ giảm ảnh hưởng gián tiếp của hàng hóa XNK vào sản xuất trong nước).

Việc tăng trưởng Quý 1. 2012 thấp hơn so với Quý 1. 2011 có nhiều nguyên nhân, trong đó nổi lên nguyên nhân quan trọng là lãi suất cao của các năm 2011 và nửa đầu năm 2012 (cùng với chính sách áp hạn mức tín dụng) đã làm giảm đầu tư tư nhân, kéo theo việc sụt giảm GDP khá mạnh các kỳ tiếp theo. Một mặt do lượng tồn kho vẫn tiếp tục chưa tiêu thụ được, trong khi lãi suất vẫn cao, dẫn tới khả năng tăng trưởng của hai quý đầu năm 2012 vẫn sẽ ở mức thấp.

Tuy nhiên, với mức độ giảm lãi suất nhanh như hiện nay và qua quan sát chúng tôi nhận thấy, cầu đầu tư tư nhân có thể sẽ gia tăng sau khi lạm phát ổn định. Việc tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ dương trở lại cũng hàm ý rằng có thể đã có sự chuyển động của đầu tư tư nhân ở mức độ nào đó. Chẳng hạn, trong năm 2009, chính sách hỗ trợ lãi suất kéo theo việc lãi suất thực trả rất thấp và do vậy, mặc dù cung tín dụng giảm nhưng cầu đầu tư tư nhân vẫn tăng khá mạnh và kéo nền kinh tế tăng trưởng trên 6%. Với lãi suất cho vay kỳ hạn dưới 1 năm được dự tính về khoảng 12% trong Quý 3.2012, chúng tôi dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ tăng trở lại bắt đầu từ cuối Quý 2 này và chúng ta sẽ chứng kiến sự tăng trưởng trở lại bắt đầu từ Quý 4.

Do vậy, hãy cho đầu tư tư nhân thời gian và hãy tạo cho đầu tư tư nhân một cơ hội bằng một chính sách duy trì lạm phát ở mức thấp và ổn định. Một gói kích cầu tài khóa như hiện nay có lẽ là hợp lý và vừa đủ để tránh triệt tiêu hiệu quả chính sách kìm chế lạm phát. Mức lạm phát giảm quá đà về khoảng 5% cũng không đáng lo ngại vì cầu đầu tư tư nhân khi quay trở lại sẽ kéo theo sự hồi phục mức tăng giá ở mức độ nhẹ. Chúng tôi dự báo, nếu có được cơ hội nuôi dưỡng, tăng trưởng sẽ quay trở lại và đạt 5,4% cho năm 2012 trong khi lạm phát cuối Quý 4 sẽ ở mức 7% tới 8%, cao hơn mức dự báo lạm phát cuối Quý 3.2012 một chút. Động lực cho sự hồi phục tăng trưởng là đầu tư tư nhân nhưng chúng ta cần kiên nhẫn chờ đợi thêm chút nữa.

3 comments:

  1. - Em thì nghĩ rằng ls cho vay chưa thể hạ 13%/1 năm trong năm nay, dù lshđ xuống 9%/1 năm. DN còn chết tiếp 2 quí còn lại của năm.....

    ReplyDelete
  2. Thực tế thì lãi suất cho vay ngắn hạn ở một số đối tượng khách hàng đã chạm. Vấn đề là tính phổ biến. Còn lãi suất cho vay dài hạn thì phải độ 15-16% thì mới hấp dẫn. Phổ biến ngắn hạn vẫn ở mức 15-16% và dài hạn ở 17%-18%. Theo mình, cuối quý 3 và đầu quý 4 thì lãi suất cho vay sẽ giảm tiếp trung bình khoảng 1% so với mức hiện tại.

    ReplyDelete
  3. Em nghĩ đầu tư tư nhân không thể tăng vào cuối năm đâu. Vì hiện nay phần lớn các DN không thể tiếp cận vốn mà chủ yếu là có mối liên hệ giữa DN và ngân hàng, ngân hàng đang có khoản nợ xấu khá lớn nên việc cho vay khá thận trọng, mặc dù lãi suất đã giảm nhưng không thể cho vay được diều này minh chứng cho các ngân hàng tăng mau tín phiếu nhà nước và trá phiếu chính phủ. Báo cáo mới đây cho rằng CPI tháng 6 đã giảm tốc và giảm phát điều này bồi thêm một cú sốc cho DN, hàng tồn kho chưa giải quyết đươc thì hàng mới sản xuất ra cũng phải chấp nhận bán với giá thấp. Do đó khó khăn chồng khó khăn, nên theo suy nghĩ của em thì đầu tư tư nhân không lạc quan như a nghĩ

    ReplyDelete