Sunday, March 23, 2014

Một vài suy nghĩ về hạ lãi suất gần đây

Với việc cắt giảm trần lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng gần đây của NHNN và cùng với nó là cắt giảm một số lãi suất chính sách gần đây, giới chính sách và học thuật có nhiều quan điểm khác nhau. Cá nhân tôi nhận thấy có vài điểm đáng suy nghĩ.

1. Việc tiếp tục áp trần lãi suất và hạ trần lãi suất sẽ kéo theo khả năng cao hơn là một số ngân hàng phải hạ lãi suất huy động do trước đó vượt trần. Nói gì thì nói, dù hiện chỉ có một vài ngân hàng nhỏ bị ảnh hưởng bởi trần lãi suất mới thì theo ý nghĩa kinh tế cũng sẽ tạo ra tính phí hiệu quả nào đó cho dù nhỏ. Lý thuyết là vậy. Nhưng giới chính sách có thể không quan tâm lắm tới chuyện này vì có thể mất mát xã hội không lớn do tín dụng/huy động của các ngân hàng bị tác động bởi trần lãi suất mới chiếm tỷ trọng nhỏ.

2. Như vậy, SBV có thể đang nghĩ gì? Thực tế thì lạm phát đang giảm khá nhanh và giảm quá mức dự kiến. Đó là sự thật. Lãi suất giảm sẽ đẩy tổng cầu để kích thích tăng trưởng. Có vẻ như đầu tư công/chi tiêu công đang ở mức giới hạn cuối cùng và chính phủ không muốn dùng chính sách tài khóa mở rộng do các vấn đề sử dụng vốn không hiệu quả của DN nhà nước sở hữu hoặc nắm cổ phần chi phối. Tăng trưởng thấp (có khả năng là như vậy, nếu nhìn vào số liệu GRDP của Hà Nội và HCM gần đây so với cùng kỳ năm ngoái) và lạm phát thấp dưới 5% so với cùng kỳ trong khi không gian cho lạm phát là ở mức 6%, vì vậy:
 
(i) Dù có hay không chính sách trần lãi suất giảm thì sớm hay muộn sẽ có lực đẩy của thị trường kéo lãi suất huy động giảm (thực tế là trước khi giảm trần lãi suất, các ngân hàng phần nhiều đã giảm thấp hơn cả mức trần hiện tại). SBV chỉ làm công việc báo hiệu để các NHTM sớm "biết" và đi theo cho "đúng trật tự" của thị trường;

(ii) Thêm nữa, do tính cố hữu chạy theo chỉ tiêu tổng tài sản hơn là hiệu quả, nên việc chạy đua tăng lãi suất có thể sẽ vẫn xảy ra trong tương lai khi tín dụng tăng trưởng trở lại: việc chạy đua này dù ở quy mô nhỏ cũng sẽ gây bubble lên hệ thống tài chính, gây bất ổn và điều này sẽ không thể để lặp lại. Vì vậy, việc cắt giảm trần lãi suất có thể dưới góc độ của SBV để chỉ dấu rằng, để tăng hiệu quả, các ngân hàng cần cắt giảm lãi suất huy động và cắt giảm lãi suất cho vay để kích thích dòng vốn vì việc chạy đua huy động vốn ngắn hạn sẽ không còn do "tôi" đã ngăn bằng trần lãi suất mới. Tức là sẽ làm "an tâm" các ngân hàng trước khi các ngân hàng quyết định cắt giảm lãi suất cho vay và đẩy nhanh quá trình này, nếu không tăng trưởng thực sự sẽ bị ảnh hưởng.

(iii) Dù gì thì việc cắt giảm lãi suất cho vay cũng sẽ phải xảy ra, nếu không chính các ngân hàng sẽ khó khăn và không đạt lợi nhuận. Rõ ràng, tốc độ tăng trưởng thấp như hiện nay trong khi lạm phát đi xuống và chưa thấy có áp lực tăng lạm phát trở lại làm dấy lên một vấn đề, tốc độ tăng trưởng chưa phải do kích thích sôi động của hoạt động kinh tế mà chỉ chủ yếu là do năng suất tự nhiên cải thiện và quy mô tự nhiên của lực lượng lao động.

3. Điểm mà SBV cũng có thể phải cân nhắc tới sẽ phải ở quan điểm: Có nên coi trần lãi suất là một công cụ của chính sách tiền tệ đặc thù.

(i) Rõ ràng, đây có thể là một cách thức nới lỏng tiền tệ vừa đủ (tức không chủ động mà để cho ngân hàng TM tự quyết nhiều hơn), nhưng tăng cung tiền sẽ kéo theo áp lực lên lạm phát nhẹ trở lại. Mặc dù các tính toán định lượng cho thấy, với mức tăng cung tiền khoảng quanh 12% thì khả năng lạm phát vẫn trong mục tiêu là 6%. Nhưng nếu vì một lý do nào đó, lạm phát tăng trở lại lớn hơn mức dự kiến, việc tăng lãi suất là bắt buộc và trần lãi suất có thể lại tăng trở lại;

(ii) Nhưng nếu SBV không coi việc này là việc đáng phải suy ngẫm vì vừa cắt giảm liên tục mức trần này, tức SBV coi việc áp mức trần lãi suất như là một công vụ chính sách ĐẶC THÙ áp dụng cho trường hợp của Việt Nam, thì rõ ràng, việc giảm trần lãi suất vừa qua không đáng phải bàn cãi: với lạm phát dự kiến ở dưới mức 6% theo dữ liệu có được sau quý 1/2014, thì lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng sẽ ở dưới mức này và lãi suất kỳ hạn 1 năm sẽ ở quanh mức này (miễn là kinh tế ổn định).

4. Thực sự về ngắn hạn, có thể có sự quan ngại báo hiệu sức cầu giảm. Miễn là SBV cam kết mức lạm phát kiểm soát và trong trung hạn mức lạm phát này không bị thay đổi "tăng lên" thì việc cân bằng với tăng trưởng nên được tính tới. Lúc này, tăng trưởng lại trở nên quan trọng vì các mục tiêu ổn định giá và thị trường tài chính đã cơ bản đã đạt được. Hiện việc kích thích tổng cầu rất quan trọng và do hạn hẹp về quy mô chính sách tài khóa do nợ cộng và thâm hụt lớn, trong khi tái cấu trúc DNNN chưa diễn ra nhanh và mạnh, việc giảm lãi suất cho vay là bước đi hợp lý để chính các DN tư nhân tái cấu trúc và tạo đà tăng trưởng mới. Thật khó có thể tin là DNNN làm đầu tầu cho hồi phục?

Nhưng nếu tăng trưởng không khả quan hơn trong khi lạm phát tiếp tục ở mức thấp, 5%-6%, chúng ta cần xem lại cấu trúc tăng trưởng hoặc lại phải tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay thêm. Đôi khi các bài học về nới lỏng định lượng với quy mô lớn cũng đáng phải cân nhắc để tạo cú huých thực sự mạnh, kéo theo tạo đà nội lực tăng trưởng đủ lớn. Tất nhiên, rõ ràng, cấu trúc kinh tế của Việt Nam có vấn đề và nếu không sửa chữa sớm, nới lỏng mạnh mẽ sẽ lại phần lớn tạo ra sự lãng phí và vòng quay lạm phát mới trong các kỳ sau đó cho dù có thể tạo được tăng trưởng tốt trong ngắn hạn.

No comments:

Post a Comment