Monday, March 26, 2012

Tản mạn về tiền tệ và thị trường tài chính Việt Nam III

13. Độ mở của nền kinh tế tương đối rộng. Trong một số nghiên cứu gần đây cho nền kinh tế nhỏ, mở cửa: chính sách tiền tệ tối ưu có thể cần sự phản ứng với nhân tố bên ngoài, chẳng hạn như tỷ giá. Các chính sách tiền tệ của Việt Nam chưa thấy rõ ở điểm này vì có sự can thiệp và bands của tỷ giá. Câu hỏi đặt ra là có cần sự can thiệp đó hay không? hay có thể sử dụng chính sách tiền tệ khi có yếu tố tỷ giá sẽ tốt hơn cho nền kinh tế.

14. Tình trạng đô la hóa của Việt Nam trong thời gian qua là rất lớn. Khi có sự dịch chuyển không mong muốn của đồng USD (như vay gửi USD/ tín dụng USD/ mua bán USD) trong khi các chính sách tiền tệ phải thông qua trực tiếp là VND. Vì vậy, việc điều chỉnh chính sách tiền tệ có thêm yếu tố không định trước được, vòng quay ngoại tệ trong nền kinh tế. Do đó, các chính sách tiền tệ của SBV sẽ bị động ở một cấp độ nhất định. Vì vậy, SBV gần đây chấp nhận cơ chế xin cho bằng ngoại tệ trong tương lai bằng cách áp trần "tiêu cực" lên huy động vốn ngoại tệ và "bóp nghẹt" tín dụng ngoại tệ. Trung quy lại là tối thiểu hóa đồng USD trong bảng cân đối tài sản của các ngân hàng thương mại và đồng thời tạo lực đẩy (cám rỗ ngắn hạn) với người dân để chuyển tiền USD trong dân vào ngân hàng và chảy vào SBV.

(Và có lẽ vì việc này mà SBV, do mua ngoại tệ dẫn tới cung nội tệ, cũng phải thực hiện chính sách "trung hòa" bằng cách issue các tín phiếu ngân hàng. Nếu vậy, việc phát hành tín phiếu không phải là cái biểu hiện của thắt tiền tệ mà chỉ là sự điều tiết cần thiết của SBV.)

15. Xét ở một góc độ nào đó: vàng ở Việt Nam vừa đóng vai trò là ngoại tệ  - tức thực hiện được vai trò làm dự trữ ngoại hối, nhưng cũng đóng vai trò tiền tệ vì đươc đùng để lưu giá trị. (Chẳng hạn mua nhà theo cây vàng.) Tuy nhiên, ảnh hưởng của vàng như tiền tệ lên chính sách tiền tệ là không lớn do tính thanh khoản kém của Vàng. Tuy nhiên, cũng cần phải có chính sách vàng cho phù hợp để đảm bảo rằng vàng (ngoại trừ vàng trang sức) nên được huy động cho dự trữ ngoại hối.

Thuế tối ưu?

Vừa qua Chính phủ đang định áp dụng mức thuế/phí với xe máy và ô tô, quay lại bài toán thuế tối ưu cho nền kinh tế thị trường thấy cũng có một số điểm vui:

Thuế/phí tối ưu, như các bạn đã biết, sẽ nên đánh vào các hàng hóa ít có độ co giãn vì như vậy tạo ra ít dead weight loss. Vì vậy, thuế sẽ tối ưu nếu đánh vào hàng hóa thiết yếu hơn là hàng hóa xa xỉ. Vì vậy, có thể thấy, nếu coi xe máy là hàng hóa thiết yếu (mà thực tế hiện tại xe máy là hàng hóa thiết yếu thật!), thì phụ phí và thuế/phí đối với xe máy sẽ ít tạo ra "DWL". Ai cũng sẽ phải đóng phí/thuế gia tăng vì phương tiện đi lại thuận tiện nhất ở Hà Nội giờ là xe máy. Về mặt thuế có sự tối ưu. Tất nhiên về mặt xã hội cũng cần phải xem xét thêm và chúng tôi không bàn ở đây.

Tuy nhiên, ô tô là hàng hóa xa xỉ thực sự ở thời điểm hiện tại và có độ co giãn khá lớn. Việc đánh thuế và phí ô tô quá lớn có thế sẽ giảm mức cầu ô tô rất nhanh và chuyển sang xe máy. Người tiêu dùng cũng sẽ tính tới phương án để giảm thiểu đi lại với ô tô đang có để từ đó giảm thiểu phí/thuế do đang "buộc" phải sở hữu ô tô từ trước. Vì vậy, về mặt kinh tế học, hoàn toàn có thể thấy, thuế và phí ô tô cao đang tạo ra một cái dead weight loss quá lớn cho toàn xã hội.

Quay trở lại câu chuyện phí/thuế xe ô tô, xe máy có thể thấy rằng, chính sách này của VN không xử lý phần gốc mà chỉ mang tính đối phó và tận thu. Không mang tính kinh tế và giải pháp tổng thế cho vấn đề xe cộ đông đúc (và chúng ta không bàn ở đây).

Thursday, March 15, 2012

Tản mạn về tiền tệ và thị trường tài chính Việt Nam II

(Tiếp tục)

7. Thị trường chứng khoán vốn dĩ liên quan nhiều đến thị trường vốn hơn là thị trường tiền tệ, tức nguồn tiền cho thị trường này phải là dòng tiền dài hạn chiếm số lớn. Tuy nhiên, sự thiếu vắng sự tham gia tích cực của các quỹ hưu trí, của các quỹ tương hỗ, bảo hiểm xã hôi. Thêm vào đó, việc xin giấy phép thành lập Quỹ cũng không đơn giản. Vì vậy, dòng tiền dài hạn không đều đặn chảy vào thị trường. Thiếu sự ổn định của dòng tiền sẽ kéo theo sự lên xuống, dao động mạnh của thị trường do chi phối quá lớn của dòng tiền lưu chuyển

8. Mặc dù thị trường này còn ở phạm vi hạn chế, nhưng mức độ quan trọng của nó trong việc huy động vốn cho doanh nghiệp ngày càng quan trọng, nhất là vốn chủ sở hữu. Điều này có thể nhìn thấy qua việc phát hành cổ phiếu của các công ty khi thị trường chứng khoán phát triển tốt. Tuy nhiên, việc quản lý phát hành cũng như định giá doanh nghiệp và minh bạch thông tin là không tốt. Vì vậy, các doanh nghiệp vì mục đích riêng có thể dẫn tới phát hành tràn lan và không phục vụ các cổ đông đa số. Mặc dù vậy, trò chơi ponzi game và casino vẫn sẽ diễn ra.

9. Các công ty chứng khoán mở ra và đặt mục tiêu tự doanh lên trên mục tiêu tạo sân chơi mới cho doanh nghiệp ở đó các IB sẽ tiến hành cung cấp các dịch vụ tài chính. Vì vậy, để ở tầm cao mới, các công ty chứng khoán cần giảm thiểu bộ phận tự doanh trực tiếp mà thay vào đó là thực hiện các tự doanh đối ứng trung gian (market makers) cho khách hàng. Trading với equity nên được thực hiện cho các quỹ mở (hoặc các quỹ nói chung) và rõ ràng xu hướng này là không thể đảo ngược ở Việt Nam trong thời gian tới. Một công ty chứng khoán không thể thắng nổi thị trường, 10 công ty chứng khoán cũng không thể thắng nổi thị trường. Nhưng các nhà đầu tư tư nhân thì lại không thể tạo lập được thị trường và phân tích cụ thể được thị trường.

10. Rủi ro trên thị trường chứng khoán ở Việt Nam là rất lớn. Dưới góc độ nhà đầu tư thì có thể thấy rủi ro nhất là nắm thông tin không được công bằng và sự phân tích thông tin và chính sách không phù hợp. Rủi ro thứ hai là sự thay đổi chính sách không theo dự tính hoặc cam kết, dẫn tới các thay đổi về dòng tiền và định hướng phát triển thị trường không như kỳ vọng. Dưới góc độ của các nhà quản lý quỹ, rủi ro lớn nhất của thị trường là thanh khoản. Các nhà quản lý quỹ có đủ lượng thông tin và công cụ để phân tích thị trường, nhưng thanh khoản yếu là điều quỹ đầu tư không mong muốn. Trong các nghiên cứu gần đây, ngay cả trên thị trường Mỹ, return của một stock phụ thuộc vào tính thanh khoản của chính cổ phiếu đó.

11. Có sự hiểu sai lệch trong quản trị rủi ro của các công ty chứng khoán và các nghiệp vụ chứng khoán. Trong thời gian qua, sự buông lỏng quản trị rủi ro dẫn tới một loạt các công ty chứng khoán bị choáng váng vì: (1) Rủi ro đạo đức của các nhân viên; (2) Rủi ro hệ thống trong quản trị thanh khoản và cung cấp dịch vụ tài chính; (3) Không có chiến lược phát triển core IB chuẩn mực, dẫn tới tạo doanh thu từ các sectors rủi ro để có return cao. Khi thị trường đi xuống và vốn chủ sở hữu mỏng --> gặp khó khăn về tài chính; (4) Rủi ro về thanh khoản với các cổ phiếu OTC và quy trình thanh toán/thu mua cổ phiếu này. Nhiều cổ phiếu OTC qua giai đoạn giải thể doanh nghiệp vừa qua có thể coi là GIẤY VỤN.

12. Công ty chứng khoán, IB, và Quỹ cuối cùng là sự tổng hợp hai yếu tố: Banks đứng sau và Công nghệ. Nếu có Banks thương mại đứng sau mạnh và Công nghệ tốt thì đây là hai yếu tố nền tảng cho một  công ty chứng khoán mạnh. Rồi chúng ta sẽ thấy đến thời điểm, chỉ còn tồn tại các công ty chứng khoán có các banks mạnh đỡ đầu phía sau. Các công ty chứng khoán/IB khác sẽ ra đi và không thể ngoảnh đầu lại.

(Còn nữa)

Wednesday, March 14, 2012

Don't worrry? HSBC's recent report

HSBC vừa có bản báo cáo về việc cắt giảm lãi suất VND và cho rằng lạm phát vẫn sẽ ở mức thấp. Dưới đây là bản dịch của HSBC. (Về cơ bản, chất lượng bài phân tích không cao và không làm rõ ý, dẫn tới việc người đọc gây nhầm lẫn là cắt giảm lãi suất vừa rồi là một bước nới lỏng tiền tệ.)

"Trong bản báo cáo này, nhận định chính của chúng tôi như sau:

Không tính đến giá dầu tăng cao, ảnh hưởng của việc giảm lãi suất lên lạm phát sẽ không đáng kể.

* Các lãi suất chính sách đã được cắt giảm 1% do giảm áp lực về giá.
* Giá dầu nội địa đã tăng 10% để phản ánh việc tăng giá dầu thế giới, trong khi thuế nhập khẩu năng lượng đã được miễn giảm.
* Tuy nhiên, với mức khởi điểm thuận lợi, và nhu cầu tiêu thụ chậm lại sẽ là lợi thế để khắc phục áp lực lạm phát.

Tình hình giá cả vẫn tăng chậm

Lạm phát có thể trở thành vấn đề nóng ở châu Á vào cuối năm nay. Nhưng tình hình ở Việt Nam lại có thể có khác biệt. Sau khi giá cả tăng nhanh chóng trong năm ngoái, áp lực giá cả hiện nay đã hạ nhiệt do nhu cầu tiêu thụ chậm và giảm tăng trưởng tín dụng. Do đó, NHNN Việt Nam đã có thể giảm các lãi suất chính xuống 1%. Việc giảm lãi suất đã được tính hết vào giá vốn trên thị trường nhưng câu hỏi đặt ra là liệu việc này có ảnh hưởng xấu đến tình hình lạm phát và làm tiền Đồng biến động hay không. Việc giảm các lãi suất chính sách trong lúc giá dầu thế giới đang tăng cao có thể hơi vội vàng, tuy nhiên chính sách này ít có khả năng ảnh hưởng đến chiều hướng giảm xuống của lạm phát của Việt Nam.

Dựa vào phân tích chính sách tiền tệ của Việt Nam, việc giảm lãi suất không nằm ngoài tầm dự đoán. NHNN Việt Nam thi hành chính sách tiền tệ bằng hai cách:
1)        Lãi suất chính sách được định hướng bởi lạm phát cơ bản
2)        Họ sử dụng các công cụ hành chính để làm giảm áp lực lạm phát.
Lạm phát cơ bản đã giảm từ mức cao nhất 15.2% vào tháng 08/2011 xuống còn 12.7% vào tháng 02/2012. Sự giảm tốc của lạm phát và lạm phát cơ bản, cùng với sự ổn định của tiền Đồng đã tạo cơ sở để NHNN Việt Nam giảm lãi suất.

Mặc dù lãi suất đã giảm, lạm phát sẽ vẫn tiếp tục giảm xuống dưới 10% vào cuối năm vì ba lý do sau đây: nhu cầu trong nước trì trệ, tăng trưởng tín dụng chậm, và mức khởi điểm thuận lợi. Tình hình lạm phát cao kéo dài trong năm 2011 đã góp phần tăng nhận thức của người tiêu dùng và khiến họ thận trọng hơn trong việc chi tiêu cho năm nay. Trong khi đó, con số lạm phát quá cao vào năm ngoái chính là cơ sở để lạm phát năm nay không thể tăng cao như năm ngoái. Hơn nữa, nếu giá dầu không tăng quá USD 140/thùng thì tình hình lạm phát năm 2012 sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể.  

Về tiền Đồng, rất nhiều yếu tố khiến chúng ta lo ngại vẫn còn đó – lạm phát hai con số, lãi suất thực âm và con số thâm hụt thương mại còn cao – nhưng tình hình đang tiến triển tốt. Trong tình hình hiện nay, những rủi ro có thể sẽ làm đồng Việt Nam mất giá nhẹ, và chúng tôi dự đoán tỉ giá USD-VND sẽ vào mức 21,500 vào cuối năm. Tuy nhiên, nếu những yếu tố quyết định tiếp tục cải thiện, VND sẽ  lại trở nên hấp dẫn hơn...".

 (Chắc HSBC sẽ publish sớm ra công chúng).

Tản mạn về tiền tệ và thị trường tài chính Việt Nam I



1. Hầu hết các ngân hàng đều chỉ có nguồn vốn ngắn hạn và các dự án tài trợ đều là vốn trung dài hạn. Vì vậy, rủi ro mất cân bằng kỳ hạn luôn hiện hữu. Tất nhiên đi kèm với nó là margin của ngân hàng tăng lên do đầu lãi suất của cho vay dài hạn cao hơn cho vay ngắn hạn.

2. Do thực tế là trung gian tiền tệ hơn là trung gian vốn, nên tính biến động nguồn vốn của mỗi ngân hàng có thể là lớn. Sự cạnh tranh mạnh giữa các ngân hàng trong khi lại có sự bảo trợ của Ngân hàng Nhà nước: không có ngân hàng phá sản, dẫn tới sự "lớn mạnh" bằng nhiều hình thức cạnh tranh phi thị trường của các chú cá, đặc biệt khi các chú cá này chấp nhận ăn thuốc tăng trọng độc hại (đầu tư vào các tài sản rủi ro cao để ăn return cao, phục vụ công tác báo cáo số liệu ngắn hạn) và khi "cá" bong bóng vỡ do tích tụ thuốc độc đủ lớn sẽ vô cùng khó chữa trị.

3. Thị trường tiền tệ VN có hai cái hay: thị trường tiền tệ của người dân và thị trường tiền tệ của giới ngân hàng.

Thị trường tiền tệ của người dân là sự dịch chuyển vốn hàng ngày, hàng tháng và liên tục từ ngân hàng này sang ngân hàng khác khi có sự "chênh lệch" lãi suất vì chẳng có khái niệm risk-return. Risk là không có, thì return càng cao sẽ thu hút vốn nhiều. Các sản phẩm bán lẻ thì đơn điệu: khuyến mại, sổ số, du lịch, ...Các ngân hàng hơn nhau ở dịch vụ thanh toán tiện ích. Cái này thì chỉ 2-3 ông lớn làm tốt mà thôi, chẳng hạn như Vietcombank. Ngay cả Vietinbank vẫn tồn tại hai hệ thống thanh toán thẻ và tài khoản khác nhau cơ mà. Đây cũng là một hướng đi nâng cao sức cạnh tranh của một ngân hàng để có thể tồn tại ở thị trường tiền tệ kiểu này.

Thị trường tiền tệ của các ngân hàng là sự vay mượn vốn do thiếu hụt ngắn hạn. Trước đây, các ngân hàng vay mượn nhau để bổ sung thanh khoản do chủ yếu thiếu hụt về dự trữ bắt buộc. Nhưng giờ các ngân hàng vay mượn nhau để có nguồn vốn cung tín dụng ra bên ngoài. Mục tiêu tăng trưởng đầu ra lớn với chỉ tiêu năm nào cũng tăng tín dụng 20%, rồi 50%,..trong khi tỷ lệ sử dụng vốn từ nền kinh tế đã cao sẽ kéo theo việc một nhóm các ngân hàng vay trên hệ thống liên ngân hàng để cung tín dụng trung dài hạn. Thị trường tiền tệ kiểu này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hệ thống tài chính.

4. Các sản phẩm trên thị trường tiền tệ rất ít. Sản phẩm tiền tệ liên quan đến thị trường ngoại hối thì bị bóp nghẹt. Các sản phẩm tiền tệ về IRS tiền đồng là không có vì đơn giản chẳng ai cung cấp do lãi suất huy động liên tục thay đổi theo lạm phát và vì vậy lãi suất cho vay của các ngân hàng cũng phải theo hướng thả nổi. Sản phẩm thị trường tiền tệ do vậy chỉ có mỗi hai cấu thành ở điểm (3) nêu trên. Vì vậy, nhiều người bảo rằng, làm MM ở Việt Nam đơn giản là vì thế.

5. Sự mất cân đối lớn giữa thị trường VND và USD. Với các chính sách hiện tại, có thể nói, tâm lý chung của người dân là ai có ngoại tệ là bán cho ngân hàng và lấy tiền đồng. Sớm hay muộn, ngoại tệ trong dân sẽ cạn và chuyển về ngân hàng TM. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại lại bị thắt chặt tín dụng ngoại tệ. Do vậy, đích cuối cùng là SBV đạt được mục đích thu ngoại tệ về và cung tiền VND ra. Thị trường tiền tệ cho USD sẽ sớm teo tóp và thị trường tiền tệ chỉ hoạt động ở mảng VND. Dự trữ ngoại hối về ngắn hạn/trung hạn có thể là ổn định và kéo theo tỷ giá có cơ sở để ổn định.

(Còn tiếp)

Monday, March 12, 2012

Bài viết của anh Giang trên SGTT

Anh Giang vừa có bài viết trên SGTT (link) và về cơ bản, tôi đồng ý với quan điểm điều hành ngắn hạn của anh Giang.

- Chẳng có gì phải vội vàng để tự nhiên cắt đứt đường lùi của CS tiền tệ. Nhưng "CP" đã quyết thì SBV theo. (Tính độc lập của SBV không có ở đây).

- Về thời điểm: là sớm. Về tác động: không có nhiều. Về tính kỹ trị điều hành: kém.

Vì vậy:  Đây là tin xấu hơn là tin tốt cho thị trường tài chính.


Wednesday, March 7, 2012

Hạ lãi suất trần

Chính Phủ YÊU CẦU hạ lãi suất, SBV bảo hạ lãi suất (link). Có lẽ quyết định này đưa ra chỉ mang tính chính trị và trấn an dư luận chứ chưa giải quyết được gì nhiều.

Tính chính trị thể hiện ở: Các nhà chính trị và doanh nghiệp đều kêu lãi suất cao, doanh nghiệp hết chịu đựng được và phá sản hàng loạt, như vậy hạ lãi suất sẽ mang lại cho giới doanh nghiệp một cảm giác được ủng hộ;

Thực tế, dù có 13% hay 14% trần lãi suất huy động mà việc vi phạm vẫn xảy ra thì trần coi như không có. Nếu nghiêm túc triển khai trần lãi suất thì sao:
  • Nếu việc áp dụng trần 14%, trong khi mức lãi suất cân bằng của thị trường đã cao hơn 14%, cho thấy dòng vốn chảy về nhóm ngân hàng tốt. Trong khi tín dụng tăng trưởng hạn chế do cơ chế tự phòng vệ của các thể chế tài chính, điều này sớm hay muộn sẽ buộc các ngân hàng lớn này giảm lãi suất huy động. Trong khi đó, tôi không hy vọng nhóm ngân hàng yếu sẽ giảm lãi suất, vì sự sống còn trong ngắn hạn là thanh khoản chưa giải quyết xong. Do đó, với trần 14%, thị trường đang "bắt đầu" cho thấy có dấu hiệu về một khoảng cách lãi suất giữa hai nhóm ngân hàng tốt và xấu. Khoảng lệch lãi suất khi đó là rủi ro mà khách hàng chịu nếu giao dịch tiền gửi với nhóm ngân hàng yếu kém. Nhưng khoảng lệch đó cũng đã báo hiệu cho thấy có thể có sự dễ thở hơn cho hệ thống tài chính. 
  • Nếu áp trần mới thì các ngân hàng yếu kém vẫn chịu áp lực như cũ vì khoảng cách lãi suất giữa các nhóm ngân hàng không có gì thay đổi. Điều này kéo theo sự mất thanh khoản của nhóm ngân hàng yếu sẽ kéo dài thêm. 
  • Ví dụ: áp 14%, thì ngân hàng tốt sẽ huy động thấp hơn một chút 13.7%, ngân hàng yếu 14% --> dễ thở hơn cho hệ thống thanh khoản ngân hàng. Áp 13%, vốn tiếp tục đổ về ngân hàng lớn. --> Tiếp tục khó khăn kéo dài cho các bạn ngân hàng yếu kém.


Có hai điều làm tôi hơi lùng bùng khó hiểu ở đây:

Thứ nhất, việc giảm lãi suất từ 14% xuống 13% để ám chỉ thời kỳ thắt chặt nhất đã qua? Điều này nếu bản chất kinh tế là đúng thì thị trường cũng đang cho thấy xu hướng này với việc giảm lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng. Nếu vậy, có đang phải ra một chính sách hạ từ 14% xuống 13% trong khi thị trường đang dần ổn định và cho thấy rõ xu hướng?

  • Theo ý tôi phân tích ở trên, tôi cho rằng, tác dụng lớn nhất của quyết định này là: xu hướng lãi suất là giảm và mức giảm phải là từ từ, không nhanh được. Khó khăn vẫn còn và giai đoạn cuối của thắt chặt tiền tệ chưa qua. Nếu dùng ám chỉ này, thì tôi cho rằng, nên giảm về 13.5% hơn là 13%.
    • Thông thường hậu chính sách tiền tệ, thì cơ quan chính sách điều chỉnh theo thị trường chứ không còn phải điều chỉnh thị trường nữa. Chẳng hạn, nếu mức cân bằng là 13.3% thì mức chính sách đưa ra là 13.5%, chứ không phải là ép xuống 13%.
    • Vì vậy, các bạn nước ngoài mới cảnh báo: nếu mức giảm đột ngột, sẽ gây cho thị trường cảm giác là "nới lỏng tiền tệ" và sẽ làm hỏng chính sách kiềm chế lạm phát. Thực tế, chúng ta chẳng nới lỏng, mà chỉ giảm mức tăng giá và vì vậy mức cầu cho tiền tệ sẽ giảm đi như một quy luật tất yếu. Do đó, cắt giảm tốc độ tăng cung tiền để phù hợp với tốc độ tăng cầu tiền mới. Còn nền kinh tế thực sẽ hồi phục dần dần.
  • Nhưng liệu rằng, chúng ta đang tự bó buộc chính sách vì đã gián tiếp cho rằng rủi ro lạm phát phi mã đã qua? Chưa cho thấy một dấu hiệu nào như vậy. Sự giảm tốc của lạm phát mới ở gần 2 quý và thực tế chỉ quyết liệt được một quý năm 2012. Vì vậy, có lẽ cần thêm 1 quý nữa để có được sự đồng thuận trong suy nghĩ của thị trường trước khi khẳng định rủi ro lạm phát phi mã đã giảm thiểu.

Thứ hai, NHNN đã ngầm khẳng định rằng các biện pháp hỗ trợ các ngân hàng yếu sẽ không gây áp lực lên cung tiền và sẽ thành công. Liệu có sự ám chỉ này?

  • Câu hỏi này liên quan đến điều tôi nhắc tới ở trên, thực tế, áp trần 13% và buộc tất cả các ngân hàng phải tuân thủ, tôi tin rằng nếu không có biện pháp khắc phục thanh khoản cụ thể, sẽ càng đẩy các ngân hàng yếu vào khó khăn thanh khoản. Do đó, buộc các ngân hàng phải tự cơ cấu lại, hoặc buộc phải "tự nộp mình" xin được có biện pháp hỗ trợ cơ cấu sớm.
  • Nếu SBV hỗ trợ trực tiếp bằng bơm tiền: với khoảng 9 ngân hàng và cho vay khoảng 5000 tỷ/1 ngân hàng (trung bình), thì cũng cần tới cho vay 45 nghìn tỷ VND. Tuy nhiên lưu ý rằng, đây là cho vay dài hạn để cơ cấu, nên sẽ ảnh hưởng đến cung tiền ngay lập tức. Nếu BTC mua tài sản của các ngân hàng xấu thì cũng không phải một sớm, một chiều có cơ chế thực hiện được.
  • Tôi cho rằng, xử lý nợ xấu của các ngân hàng yếu là vấn đề "rất" khó khăn nhưng là vấn đề cần làm trước tiên, chứ không phải đi vào lãi suất giảm như thế nào. Nếu giải quyết xong, lãi suất thị trường sẽ tự nhiên giảm theo mức độ hợp lý với mức độ giảm của lạm phát. Các giải pháp hiện tại để hỗ trợ thanh khoản ngân hàng không phải là căn cơ. Biện pháp hữu hiệu nhất có lẽ là thanh tra lại tất cả các hoạt động tín dụng tại các ngân hàng này và sẵn sàng cho phá sản nếu vốn CSH âm và buộc sáp nhập nếu tỷ lệ an toàn quá thấp.
(Cập nhật: IMF có vẻ không đánh giá cao quyết định hạ lãi suất trần của Việt Nam. Ý tứ cũng có vẻ tương đồng với các luận điểm phân tích ở trên. link: Let's solve the dilemma)